Theo nhận định của các chuyên gia, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là cơ hội rất lớn cho ngành dệt may của Việt Nam. Hiện thị trường này đang mang lại giá trị xuất khẩu lớn thứ hai trong tổng số các nước nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam. Để đón được những cơ hội mà EVFTA mang lại, ngành dệt may cần cú huých tích cực từ nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ dệt, nhuộm.
Để đón được những cơ hội mà EVFTA mang lại, ngành dệt may cần cú huých tích cực từ nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ dệt, nhuộm.
Năm 2018, ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đạt là 5,6 tỉ USD. Mặc dù đây là con số rất lớn nhưng cũng chỉ chiếm hơn 2% so với tổng lượng nhập khẩu hàng dệt may của Châu Âu và cho thấy thị trường này vẫn còn nhiều dư địa tiềm năng phát triển nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều dòng thuế quan sẽ được cắt giảm về 0% trong vòng 7 năm. Đây là cơ hội tốt mở ra một sân chơi lớn để giao thương cũng như đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu dệt may. Đồng thời cũng tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu vào EU.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho biết thị trường EU là thị trường lớn, về dệt may EU đứng đầu thế giới, đối với xuất khẩu nước ta EU đứng thứ hai. Hiệp định này là cơ hội thuận lợi cho ngành dệt may, bởi vì về thuế quan thì đối với hầu hết mặt hàng dệt may đều được giảm về 0, trong đó 77% dòng thuế được giảm về 0 ngay.
Cơ hội đan xen cùng thách thức, ngành dệt may Việt Nam chưa thể hưởng lợi nhiều ngay lập tức, bởi chưa đáp ứng yêu cầu quy định về nguyên tắc xuất xứ. Nguyên nhân là các doanh nghiệp nước ta phải nhập khẩu vải và các phụ liệu khác từ những thị trường chưa ký hiệp định FTA với EU.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, ngành dệt may Việt Nam chủ yếu chỉ thực hiện những công đoạn đơn giản như gia công. Do đó, các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ cao của EVFTA cũng là thách thức rất lớn với các doanh nghiệp ngành dệt may.
“Thách thức cực kỳ lớn đối với dệt may Việt Nam, điểm nghẽn phần cung thiếu hụt của ngành dệt may, đặc biệt là phần liên quan đến nhuộm hoàn tất. Để đạt được mục tiêu lợi ích mà hiệp định mang lại, các bộ ngành, địa phương cần hoạch định chiến lược phát triển khu doanh nghiệp, phần cung thiếu hụt, chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Giang nêu thực tế.
Nguồn cung nguyên liệu ngành dệt may đang là nút thắt lớn trong việc hưởng cơ hội mà EVFTA mang lại.
Đáp ứng yêu cầu các điều khoản hiệp định đưa ra. Đặc biệt với EU chúng ta phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải. Nếu chúng ta không có vải từ Việt Nam thì lợi ích của ngành dệt may Việt Nam sẽ chẳng mang lại gì cho sự phát triển của ngành dệt may trong thời gian tới.
Như vậy, nguồn cung nguyên liệu ngành dệt may chính là nút thắt lớn trong việc hưởng cơ hội mà EVFTA mang lại. Theo đó, gần 90% nguyên phụ liệu đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của Hiệp định và không được ưu đãi cộng gộp trong hiệp định. Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu với mức thuế như cũ sẽ không được hưởng ưu đãi.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Những yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ trong EVFTA cũng như trong nhiều hiệp định khác chính là động cơ để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành dệt và dệt nhuộm ở Việt Nam – ngành đang “thắt ngưỡng” trong nguồn cung nguyên liệu.
“Tôi hy vọng với động lực lực tạo ra từ EVFTA hay các hiệp định khác, tương lai đầu tư cho dệt nhuộm của Việt Nam sẽ tốt hơn, đáp ứng nguồn cung cho hàng dệt may Việt Nam. Lưu ý còn có câu chuyện về thiết kế và nhiều vấn đề khác nữa để nâng cao giá trị của dệt may Việt Nam cao hơn trong “đường cong” chuỗi giá trị của sản phẩm dệt may, bên cạnh việc thúc đẩy đầu tư vào dệt, nhuộm thì cần phải chú trọng vào thiết kế và các công đoạn khác”, bà Trang nhấn mạnh.
Năm 2019, ngành dệt may đặt ra mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỉ USD, trong đó, thị trường lớn nhất là Mỹ chiếm 42% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam; đứng thứ hai là thị trường EU, khả năng chiếm 21,5% so với mục tiêu đặt ra là 20%.
Để giải quyết điểm nghẽn của ngành dệt may, cần có thị trường lớn thiết lập chuỗi cung ứng mang tính ổn định, lâu dài. Cùng với đó là việc tạo ra thị trường bền vững để có thêm điều kiện để đầu tư, tham gia chuỗi cung ứng ở mức độ sâu hơn nhằm giá trị cao hơn cho Việt Nam.